Trong quá trình mang thai, nhất là những mẹ mang thai lần đầu sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như theo dõi sự phát triển của em bé ở mỗi giai đoạn nhất định. Mẹ hãy tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm dưới đây để có thể vượt qua 9 tháng 10 ngày thai kỳ theo cách tuyệt vời và khỏe mạnh nhất.
1. Khám thai định kỳ, giữ sức khỏe răng miệng
Khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu mang thai, bạn nên đi khám thai ngay để biết được tình trạng sức khỏe của của mình và em bé. Trong suốt thời gian mang thai, bạn cần nhớ đi khám, siêu âm định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định để được hướng dẫn cách chăm sóc thai kỳ phù hợp.
Một điều quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý là trong thời gian mang thai, nướu rất dễ bị tổn thương do nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể tăng nhanh. Theo một nghiên cứu gần đây, nếu mẹ bầu thường xuyên chăm sóc sức khỏe răng miệng như lấy cao răng, đánh bóng răng có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh răng miệng trong thời gian này tới 84%. Do đó, ngoài bác sĩ sản, bạn cũng cần gặp cả bác sĩ nha khoa nhé.
2. Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ chất
Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu sẽ tăng cao so với trước, nhất là cần bổ sung các chất DHA, ALA, lutein, choline, sắt, acid folic, canxi, vitamin D. Thiết lập một chế độ ăn khoa học, đầy đủ nhóm chất là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi và đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Các mẹ nên thêm vào khẩu phần ăn các loại hạt tốt cho bà bầu, rau, trái cây tươi, trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa, viên uống bổ sung vitamin và khoàng chất. Với các loại vitamin, viên uống bổ sung, bạn cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung hoặc ngưng sử dụng khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Uống đủ nước mỗi ngày
Mỗi ngày, bạn cần uống ít nhất 2 lít nước để duy trì lượng nước ối cho thai nhi và tăng lượng máu cho cơ thể, giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn. Nếu uống ít hơn, bạn sẽ dễ gặp phải chứng ốm nghén, mệt mỏi, chuột rút và co thắt trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
4. Chăm chỉ vận động
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ có rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt là vóc dáng và cân nặng. Để cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, mẹ bầu cần tập thể dục 30 phút mỗi ngày và 4 lần mỗi tuần. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ bầu tăng cường thể lực, cải thiện tinh thần, sức khỏe tim mạch, mà còn làm tăng lượng máu đến nhau thai để hỗ trợ sự phát triển của bé. Một số hoạt động thể chất tốt cho bà bầu mà bạn có thể thử là đi bộ, bơi lội và yoga. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ và các chuyên gia trước khi lựa chọn bộ môn phù hợp với mình.
5. Nghỉ ngơi đủ giấc
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ mệt mỏi, nặng nhọc hơn do phải mang thêm em bé trong cơ thể, do vậy họ cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu mất ngủ thường xuyên có thể khiến mẹ bầu cảm thấy căng thẳng, tăng huyết áp, tiền sản giật… Phần lớn mẹ bầu đều thấy khó ngủ, mất ngủ khi mang thai do những triệu chứng khó chịu của thai kỳ, do vậy bạn nên tập yoga, thiền, cải thiện chế độ ăn để có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm.
6. Không rượu bia, thuốc lá
Rượu bia, thuốc lá là những thứ cấm kỵ trong suốt thai kỳ. Nếu uống rượu, bia trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ bé mắc phải hội chứng rượu bào thai (FAS). Trong khi đó, tiếp xúc với khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh: ung thư, thiếu cân, hoặc thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của trẻ.
7. Tránh xa hóa chất độc hại
Nếu công việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu, các chất phóng xạ, chì và thủy ngân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ . Nguyên nhân là bởi việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất này sẽ gây nguy hiểm cho cả bạn và bé.
8. Lựa chọn quần áo và giày dép phù hợp
Trong thời gian mang thai, hãy chọn cho mình những bộ quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát để luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Đặc biệt nên tránh loại quần áo quá ôm, bó sát do cân nặng, hình thể của bạn thay đổi rất nhanh trong giai này.
Ngoài ra, do sự phát triển của thai nhi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cột sống cũng như vùng xương chậu của mẹ bầu gây nên tình trạng đau lưng, tê bì chân tay. Các hormone trong thai kỳ làm các dây chằng ở chân bị lỏng lẻo khiến chân và mắt cá chân sẽ dễ bị sưng đau. Do vậy, bạn tuyệt đối không nên mang giày cao gót, cũng như các loại sandal nhiều dây buộc chặt.
9. Nhận biết thời điểm cần tới bệnh viện
Mẹ bầu nên chủ động tìm hiểu về các triệu chứng, biến chứng thường gặp trong từng giai đoạn mang thai. Điều này sẽ giúp bạn biết được khi nào cần đến gặp bác sĩ và không cảm thấy căng thẳng vì những triệu chứng thường gặp khi mang bầu. Hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn có một trong các dấu hiệu sau:
- Chuột rút
- Đau dữ dội
- Ra máu âm đạo hoặc rò rỉ nước ối
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Đánh trống ngực
- Sưng khớp
- Thai nhi không chuyển động.
Những kiến thức mà Smee chia sẻ trên đây có tính chất tham khảo. Để được hướng dẫn đầy đủ, chính xác nhất, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia. Smee chúc các mẹ luôn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, sinh em bé một cách thuận lợi, mẹ tròn con vuông nhé.
(Nguồn: Tổng hợp)