Khi mang thai, mong muốn lớn nhất của mẹ bầu là sinh ra một em bé khỏe mạnh, Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ có thể xảy ra những biến chứng không mong muốn và tiểu đường là một trong những bệnh khiến các mẹ lo lắng. Vậy tiểu đường thai có kỳ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé trước và sau khi sinh? Hãy cùng Smee tìm hiểu nhé.
1. Tăng huyết áp trong thai kỳ
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp thai kỳ so với mẹ bầu bình thường. Những nguyên nhân làm tăng huyết áp thai kỳ cũng có thể do béo phì, lớn tuổi hoặc di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tiểu đường thai kỳ là một nhân tố chính gây tăng huyết áp thai kỳ. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có nguy cơ bị tăng huyết áp khi mang thai nếu bị tiểu đương thai kỳ dù không béo phì, không cao tuổi. Nguy cơ này cao gấp 1,4 – 2,5 lần so với người bình thường.
Nguyên nhân: Tình trạng đề kháng insulin đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của tăng huyết áp. Có nhiều dữ liệu cho thấy mối liên quan giữa tình trạng đề kháng insulin (vốn gặp trong tiểu đường thai kỳ) và tỷ lệ tăng huyết áp trong thai kỳ. Tình trạng đường huyết cao tác động lên toàn cơ thể, kích thích các con đường hoạt hóa tiền viêm và sản sinh các chất trung gian tác động lên mạch máu. Ngoài ra, tiểu đường còn đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như rối loạn lipid máu có thể góp phần làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
2. Nguy cơ tiền sản giật
Khi phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thì nguy cơ bị tiền sản giật là rất cao, đặc biệt trong trường hợp tiểu đường thai kỳ xuất hiện sớm, mẹ bầu béo phì hoặc tăng quá nhiều cân. Tỷ lệ tiền sản giật cũng tăng khi tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát tốt. Mức đường huyết càng cao, khả năng bị tiền sản giật sẽ càng nhiều.
Nhìn chung, tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật có nguy cơ cao tiến triển thành sản giật. Đây là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm có thể gây tử vong cho mẹ hoặc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Hậu quả, em bé có thể sinh non và gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn sơ sinh. Ngoài ra, tăng huyết áp thai kỳ có thể khiến em bé chậm tăng trưởng trong tử cung, bé bị suy dinh dưỡng.
Tuy tác động qua cơ chế gián tiếp nhưng tiểu đường thai kỳ để lại những hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe mẹ và bé trong quá trình mang thai nếu bệnh không được kiểm soát tốt. Vì vậy, mẹ bầu cần kiểm soát tiểu đường thai kỳ để kịp thời điều trị, phòng tránh biến chứng.