Để tăng cơ hội thụ thai, bạn cần lên kế hoạch thật bài bản và kỹ lưỡng. Hãy chuẩn bị cho mình một cơ thể dẻo dai, tâm thế sẵn sàng và tích lũy những kiến thức hữu ích thai kỳ diễn ra thật khỏe mạnh, thoải mái. Nếu còn bỡ ngỡ chưa biết bắt đầu như thế nào, các chị em hãy tham khảo bài viết Smee chia sẻ sau đây nhé.
1. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Khi có kế hoạch mang thai, bạn nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình để xác định thời gian rụng trứng. Nếu quan hệ vào thời gian này, khả năng thụ thai sẽ cao hơn. Đặc biệt, bạn hãy ngừng các biện pháp tránh thai như uống thuốc hoặc đặt vòng...
2. Khám sức khỏe tổng quát cả vợ và chồng
Trước khi chuẩn bị mang thai, hãy đi khám tổng thể để hiểu rõ về cơ thể mình, tìm ra những yếu tốt ảnh hưởng đến việc thụ thai. Hai bạn sẽ được bác sĩ tư vấn để dễ dàng có thai hơn và các cách để cho thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt. Vợ chồng bạn cũng sẽ được thực hiện các kiểm tra di truyền để biết rõ hai người có bị mắc các bệnh lý di truyền nghiêm trọng hay không.
3. Tiêm phòng
Nếu chưa tiêm tiêm phòng những loại bệnh sau thì bạn nên thực hiện ngay trước khi mang thai. Bởi các bệnh này có thể nguy hiểm cho mẹ và gây dị tật ở thai nhi:
- Rubella
- Sởi
- Quai bị
- Thuỷ đậu
- Cúm
Bạn nên tiêm phòng trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng trước khi mang thai, không nên tiêm phòng trong giai đoạn thai kỳ vì một số loại vắc-xin có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
4. Thiết lập chế độ ăn khoa học
Bạn cần áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ lượng dưỡng chất để cung cấp dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Mẹ không nhất thiết phải ăn nhiều mà là ăn đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Một chế độ dinh dưỡng tốt cho chị em chuẩn bị mang thai gồm có nhiều loại trái cây, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm các loại thức ăn chứa acid folic và sắt vì chúng giúp làm giảm nguy cơ bệnh tật ở trẻ sơ sinh.
5. Có lối sống lành mạnh
Nếu mẹ có thói quen hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích thì cần dừng lại ngay để tránh gây hại cho thai nhi, cũng như giảm chất lượng thụ thai. Ngay cả trà đặc hay cà phê cũng cần hạn chế bởi việc hấp thụ caffeine quá nhiều có thể làm giảm khả năng sinh sản. Các chị em cũng nên tập thói quen ngủ sớm, đủ giấc, đều đặn thực hiện liệu pháp massage, yoga, thiền… để cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất cho cả mẹ lẫn thai nhi.
6. Bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết
Trước khi mang thai từ 1-3 tháng, bạn nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết mỗi ngày, để cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh. Các chất cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị mang thai gồm:
- Acid folic: giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh (những dị tật xảy ra từ ngày thứ 28 sau khi thụ thai, khi ống thần kinh hình thành).
- Sắt: Sắt tham gia quá trình vận chuyển oxy tối cần thiết cho sự phát triển của thai, đồng thời giúp mẹ tránh nguy cơ thiếu máu. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai là đều cần thiết.
- Canxi: Đây là nguyên liệu chính để hình thành xương và răng của bé. Trong thai kỳ, nếu mẹ không bổ sung đủ canxi thì bé sẽ sử dụng chính canxi từ cơ thể mẹ, gây ra nguy cơ thiếu hụt canxi ở thai phụ.
- Omega-3: Bổ sung đầy đủ DHA/EPA trước khi có thai giúp tăng khả năng thụ thai, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho sự làm tổ của bào thai.
- Vitamin D: Rất quan trọng đối với sự phát triển xương và răng của thai nhi. Ngoài ra, hấp thụ vitamin D có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ.
- Iot: Đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tuyến giáp tổng hợp các hormone cần thiết để điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Thiếu iot có thể làm cho quá trình trao đổi chất suy giảm, gây ảnh hưởng đến não bộ của bé.
7. Tập thể dục
Không phải chỉ với những người đang có kế hoạch mang thai, mà ngay cả những người khác cũng cần tập thể dục đều đặng hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và giảm căng thẳng. Các nhà khoa học cho rằng khi bạn tập thể dục đều đặng 30 phút mỗi ngày, khả năng thụ thai sẽ tăng lên đáng kể.
Những bài tập nhẹ như yoga, aerobic, bơi lội, hoặc đi bộ... là lựa chọn hoàn hảo cho chị em đang có ý định mang thai. Bạn cũng có thể đi bộ thay vì thang máy hoặc đi bộ tới những điểm không quá xa để tăng cường vận động cho cơ thể nhiều hơn.
8. Chuẩn bị tâm lý thoải mái
Sự chuẩn bị tốt về tâm lý giúp bạn tránh được những bỡ ngỡ, lo lắng trong suốt thai kỳ để sẵn sàng với thiên chức làm mẹ. Theo các nhà khoa học, những chị em thường xuyên bị stress, căng thằng thì khả năng thụ thai sẽ thấp hơn những người luôn có tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Đặc biệt, mẹ bầu có tâm trạng tốt sẽ khỏe mạnh hơn trong thai kỳ, quá trình sinh nở và phục hồi sau sinh sẽ dễ dàng hơn, và trẻ sinh ra cũng ít có nguy cơ mắc các tình trạng bệnh tật.
9. Nắm vững kiến thức về thai kỳ và nuôi dạy trẻ
Bạn cần tìm hiểu, trau dồi kiến thức về quá trình mang thai, sinh nở càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt, đặc biệt là đối với những người lần đầu làm bố mẹ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham gia một số lớp học tiền sản để thu nạp thêm kiến thức và thông tin về thời kỳ mang thai, cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
10. Sẵn sàng về mặt tài chính
Sinh đẻ, chăm sóc thai phụ và nuôi con là việc tốn kém khá nhiều chi phí. Bạn có thể sẽ phải trả rất nhiều chi phí phát sinh như chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, mua đồ dùng… trong suốt giai đoạn mang thai, chuyển dạ, chăm sóc hậu sản và cả một thời gian dài nuôi con sau này. Do đó, tài chính phải vững vàng và ổn định mới có thể giúp gia đình có cơ hội nuôi dưỡng, chăm sóc con cái trong điều kiện tốt nhất.
Những điều Smee chia sẻ trên đây chắc chắn cần thiết đối với người đang có kế hoạch làm mẹ, đặc biệt là lần đầu tiên. Vì vậy, các chị em hay lưu lại tham khảo nhé.