Giải quyết khủng hoảng tâm lý khi trẻ đi học

2021-07-12 00:00:00 | Super Admin
Giải quyết khủng hoảng tâm lý khi trẻ đi học
Mục lục

    Trong những ngày đầu đi học, trẻ thường gặp những xáo trộn tâm lý do phải thay đổi môi trường sống, nếp ăn ngủ sinh hoạt. Trẻ rất dễ bị khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn này. Tùy vào mỗi bé sẽ có cách biểu hiện khủng hoảng tâm lý khác nhau khiến ba mẹ rất lo lắng như: ốm, sốt, không ăn, hay khóc đêm, tinh thần hoảng loạn, sợ đi học hoặc thậm chí nôn trớ,…

    Vậy làm thế nào để trẻ đến trường không bị sốc, vẫn có thể vui vẻ hòa nhập với môi trường mới nhanh nhất không làm cho ba mẹ phải lo lắng và đồng thời cũng không gây trở ngại làm tổn thương trẻ về tâm lý. Hãy cùng Smee giải quyết khủng hoảng tâm lý khi trẻ đi học trong bài viết này nhé!

    Nguyên nhân của khủng hoảng tâm lý ở trẻ

    Nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện tâm lý khủng hoảng ở trẻ là do sự thay đổi môi trường đột ngột. Từ khi sinh ra trẻ vẫn luôn được tiếp xúc, chăm sóc hàng ngày bởi ba mẹ, ông bà và người thân.

    Việc thay đổi môi trường tiếp xúc với mọi thứ mới hoàn toàn khác biệt với môi trường cũ nhưng lại không có những người thân như ba mẹ, ông bà ở bên. Điều này sẽ làm cho tâm lý trẻ ban đầu có nhiều xáo trộn, lo lắng sợ hãi và có những biểu hiện khủng hoảng vì chưa thể thích nghi với môi trường mới.

    Biểu hiện của khủng hoảng tâm lý

    Ở giai đoạn này, trẻ sẽ không chịu đi học mà chỉ muốn ở nhà với những người thân đã có quan hệ gắn bó. Tùy vào mỗi đứa trẻ khác nhau lại có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý hoàn toàn khác nhau. Một vài dấu hiệu khủng hoảng tâm lý của trẻ để ba mẹ có thể dễ dàng nhận ra như:

    + Trẻ quấy khóc dai dẳng, bám mẹ.

    + Sợ đi học, có những biểu hiện níu kéo thời gian ở nhà, trốn tránh không chịu đi học.

    + Thường xuyên giật mình, gặp ác mộng và tỉnh dậy khóc vào ban đêm.

    + Mệt mỏi hay buồn ngủ

    + Có những biểu hiện ăn vạ để không phải đến lớp

    + Không ăn uống được: Với một vài trẻ thời gian đầu sau khi đi học trẻ sẽ không chịu ăn uống, không ăn được nhiều thậm trí trẻ sẽ bị sụt cân hoặc ăn uống dễ bị nôn trớ.

    + Trẻ cũng sẽ dễ bị ốm sốt trong giai đoạn này

    Những biểu hiện này của trẻ thường sẽ xuất hiện vào thời gian đầu khi trẻ đến trường tiếp xúc với môi trường, con người và nhịp sinh hoạt hoàn toàn mới. Đây là kết quả của việc bị xáo trộn tâm lý, lo lắng, sợ bị bỏ rơi, xa cách với những người thân. Khi gặp tình trạng này, ba mẹ, ông bà và những người thân xung quanh cần an ủi, động viên trẻ nhiều hơn và đồng thời có những biện pháp giải quyết để trẻ có thể tự tin sớm hòa nhập với môi trường mới.

    tre khoc khi di hoc

    Cách xử trí của ba mẹ để giải quyết khủng hoảng tâm lý cho trẻ

    Khi phát hiện trẻ có những dấu hiện trên tức là tâm lý trẻ đang rất sợ hãi, lo lắng khi phải đến trường. Để giải quyết khủng hoảng tâm lý cho trẻ ở giai đoạn này ba mẹ cần có ngay những biện pháp trấn an, động viên, khích lệ và dành nhiều thời gian hơn cho trẻ. Để trẻ không ám ảnh tâm lý sợ hãi với môi trường mới, ba mẹ hãy:

    Cho trẻ có thời gian tiếp xúc, làm quen dần với môi trường mới

    Khi ba mẹ quyết đinh cho trẻ đi học hãy cho trẻ làm quen theo các giai đoạn:

    +  Ban đầu trẻ có thể đến trường cùng ba mẹ làm quen, thăm thú mọi thứ xung quanh trường, cho trẻ thử chơi những trò chơi cùng với các bạn ở trường, nhằm tạo cho bé sự thân thiện và cảm giác gần gũi về ngôi trường. Ba mẹ có thể lặp lại 3-4 lần để trẻ dần cảm thấy trường lớp, các cô, các bạn là những điều quen thuộc

    + Sau khi trẻ đã có những buổi làm quen, ba mẹ có thể cho trẻ đến học nửa buổi, sau đó ba mẹ sẽ đến đón về.

    + Cuối cùng khi trẻ đã dần quen hơn với việc đi học ba mẹ có thể cho con học cả buổi.

    + Khi đưa con đến trường ba mẹ nên ôm tạm biệt trẻ và nhắc lại nhiều lần lời hứa sẽ quay lại đón con để trẻ ổn định tâm lý vào lớp học

    + Các bước này sẽ giúp trẻ từ từ làm quen với môi trường mới một cách tự nhiên nhất và cũng ít ảnh hưởng đến xáo trộn tâm lý của trẻ khi phải xa ba mẹ

    tre vui tuoi khi di hoc

    Chuẩn bị cho con những đồ vật mà con yêu thích nhất

    Việc ba mẹ chuẩn bị những đồ vật thân thuộc mà bé rất yêu thích sử dụng như: núm vú, gấu bông, gối, chăn, hoặc món đồ chơi nào đó,….Những món đồ này sẽ như người bạn thân thuộc gần gũi giúp trẻ an tâm hơn khi ở trong một môi trường mới.

    Ba mẹ nên dành nhiều thời gian để chia sẻ, tâm sự và hiểu con hơn

    + Để trấn an tâm lý trẻ ba mẹ cũng cần những biện pháp tâm lý để trấn an sự lo lắng của trẻ như: giải thích cho trẻ tại sao lại phải đến trường, cho con xem nhiều các sách, truyện, hình ảnh hay qua các bài thơ, bài hát về chủ đề trường lớp để trẻ có thể cảm nhận được đi học là gì, tại sao lại đi học, tâm lý trẻ sẽ thoải mái và hứng thú hơn với việc đi học hơn.

    + Nếu trẻ có những biểu hiện hành vi sai trái ba mẹ không nên dùng các hình thức dọa nạt trẻ, mà hãy giải thích cho trẻ về hành vi không đúng của mình, tập cho trẻ thay đổi những thói quen hay hành vi xấu đó.

    + Ba mẹ nên trò chuyện, chia sẻ với trẻ nhiều hơn về các câu chuyện trường lớp. Khi được đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến trường lớp trẻ sẽ có xu hướng chia sẻ những vấn đề con gặp phải ở trường để ba mẹ có thể nắm bắt và có hướng giải quyết những vấn đề khó khăn con đang gặp phải

    Xây dựng cho con thói quen ăn uống sinh hoạt khoa học

    Việc xây dựng cho con thói quen ăn uống và ngủ nghỉ khoa học sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với nhịp sinh hoạt ở trường cùng với các bạn. Đồng thời cũng giúp trẻ có đầy đủ sức khỏe cũng như sức đề kháng để học tập tốt ở một môi trường mới.

    Ba mẹ nên kiên trì cho con đi học

    Khi đi học trẻ có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, giờ giấc sinh hoạt,…nhiều ba mẹ sẽ sinh ra tâm lý “xót con”, không cho trẻ đi học nữa. Tuy nhiên, nếu khi ba mẹ cho con đi học lại trẻ vẫn sẽ gặp những khủng hoảng tâm lý tương tự.

    Vì vậy thay vì trốn tránh, ba mẹ hãy xác định ngay từ đầu phải cho con đi học, tuyệt đối không cho nghỉ và phải làm mọi cách để ổn định tâm lý cho con, giúp con nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Đó mới là điều tốt nhất dành cho con.

    Để trẻ có thể vượt qua khủng hoảng khi đi học và nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường, các con rất cần thời gian và sự giúp đỡ, quan tâm từ ba mẹ, ông bà và những người thân xung quanh. Smee hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về tâm lý của con mình và áp dụng thành công các giải pháp để giải quyết khủng hoảng tâm lý tuổi đi học cho con.

    Bài viết liên quan

    Kinh nghiệm lần đầu cho bé đi nhà trẻ

    Kinh nghiệm lần đầu cho bé đi nhà trẻ

    Đối với người làm cha mẹ, lần đầu trẻ đi học là sự kiện quan trọng trong đời. Bé thường lạ lẫm bởi môi trường mới. Trẻ có thể bị xáo trộn tâm lý, sợ hãi thậm chí ốm sau những tuần học đầu tiên. Làm th...