Mách mẹ những loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi không được bỏ qua

2021-04-01 09:50:00 | LOAN VŨ
Mách mẹ những  loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi không được bỏ qua
Mục lục

    Trẻ lúc mới sinh ra có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng yếu ớt. Do vậy, các bé cần tiêm rất nhiều loại vắc xin để tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc di chứng sau này.
    Cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm phòng đầy đủ sau đây cho trẻ dưới 1 tuổi.

    1. Giai đoạn sơ sinh

    - Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B (mũi 1) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt.
    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh Lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh.

    2. Giai đoạn 1 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) nếu mẹ có mang virus viêm gan B. Nếu mẹ không mang virus viêm gan B thì sẽ tiêm lúc 2 tháng tuổi trong vắc-xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 có thành phần viêm gan B.

    3. Giai đoạn 6 tuần đến 2 tháng tuổi

    - Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 1)
    - Tiêm vắc-xin phòng các bệnh: viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 1) lúc trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên.
    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 1) lúc trẻ tròn 2 tháng tuổi. Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 (Chương trình tiêm chủng dịch vụ) hoặc sử dụng vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và uống thêm vắc-xin phòng bại liệt liều 1.

    4. Giai đoạn 3 tháng tuổi

    - Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 2)
    - Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2)
    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 3) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 2). Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 mũi 2 hoặc 5 trong 1 + uống vắc-xin phòng bại liệt liều 2 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).

    5. Giai đoạn 4 tháng tuổi

    - Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 3 nếu sử dụng vắc-xin Rotateq của Mỹ)
    - Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 3)
    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 4) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 3). Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 mũi 3 hoặc 5 trong 1 + uống vắc-xin phòng bại liệt liều 3 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).

    Tiêm vắc xin cho trẻ để phòng ngừa các bệnh viêm gan B, lao, viêm phổi...

    6. Giai đoạn 5 tháng tuổi:

    Tiêm 1 liều vắc-xin phòng bại liệt nếu 2-3-4 tháng tuổi sử dụng vắc-xin 5 trong 1 và uống bại liệt của Chương trình tiêm chủng quốc gia tại phường / xã.

    7. Giai đoạn 6 tháng tuổi:

    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm (mũi 1). Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
    - Tiêm vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu B, C: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).

    8. Giai đoạn 9 -12 tháng tuổi

    - Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng sởi - quai bị - rubella (MMR mũi 1). Nếu mũi 1 tiêm lúc 9 – dưới 12 tháng thì tiêm vắc-xin phòng sởi – quai bị - rubella sau mũi sởi hoặc sởi – quai bị - rubella 6 tháng, nhắc lại MMR sau 4 năm. Khi có dịch sởi, vắc-xin phòng sởi MVVAC có thể tiêm được cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
    - Nếu không được tiêm vắc-xin có thành phần kháng nguyên sởi trước 1 tuổi thì 12 tháng tiêm vắc-xin phòng sởi-quai bị-rubella (MMR mũi 1), sau 6 tháng có thể tiêm tăng cường 1 mũi vắc-xin phòng sởi MVVAC hoặc sởi – rubella (MR) và 4 năm sau nhắc MMR mũi 2.
    Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (Imojev): có thể tiêm từ 9 tháng tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 năm. Có thể tiêm cùng ngày tiêm với vắc-xin phòng sởi hoặc sởi – quai bị - rubella hoặc tiêm cách vắc-xin này tối thiểu 1 tháng.

    Các trường hợp trẻ không được tiêm vắc xin (theo quyết định 2301/QĐ-BYT của Bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc):

    + Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
    + Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….)
    + Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống.
    + Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
    +Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

    Một số trường hợp cần tạm hoãn tiêm vắc-xin:

    + Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
    +Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
    +Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
    + Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.
    + Trẻ có cân nặng dưới 2000g.
    + Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

    (Nguồn: Tổng hợp)

    Bài viết liên quan

    Bí quyết ngăn ngừa bệnh ho cho bé lúc giao mùa

    Bí quyết ngăn ngừa bệnh ho cho bé lúc giao mùa

    Thời điểm giao mùa, đặc biệt là lúc xuân chuyển sang hè là lúc thời tiết và độ ẩm thay đổi đột ngột, rất dễ khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp như ho, cảm cúm... Các dạng ho thường gặp có thể là ho khan...

    Cách trị rôm sảy tại nhà an toàn cho bé trong mùa hè

    Cách trị rôm sảy tại nhà an toàn cho bé trong mùa hè

    Thời tiết nắng nóng, oi ả của mùa hè rất dễ khiến bé bị rôm sẩy. Nguyên nhân chủ yếu là do làn da của các bé nhạy cảm, khi gặp nóng bức không thoát mồ hôi được nên bị tổn thương. Ba mẹ hãy cùng tìm hi...

    Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 1 tuổi: Chớ coi thường!

    Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 1 tuổi: Chớ coi thường!

    Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, khắc phục ra sao và làm thế nào để phòng tránh? Bỉm mềm mỏng cho bé Smee sẽ giúp mẹ giải đáp các câu hỏi này trong bài viết dưới đây!