Tâm lý chung của tất cả các bà mẹ là lo con ăn chưa no, ngủ chưa đủ. Làm thế nào để biết trẻ sơ sinh cần ăn bao nhiêu ml sữa là đủ? Dấu hiệu nào chứng tỏ con đã ăn đủ? Hãy cùng Smee khám phá về lượng ăn của trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây!
Lượng ăn của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn
Mỗi giai đoạn phát triển, trẻ sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia đã ước tính rằng mỗi đứa trẻ sơ sinh trung bình cần được bú khoảng 8 đến 12 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, bé sẽ có nhu cầu ăn khác nhau.
Khi bé mới chào đời, dạ dày còn rất nhỏ nên bé chỉ cần khoảng 7ml sữa là đã đủ rồi. Kích thước dạ dày của con tang dần theo từng ngày. Đến ngày tuổi thứ 3, bé đã có thể ăn được 22 cho tới 27ml cho một lần bú. Sau tuần tuổi đầu tiên, bé đã có thể ăn được mỗi lần 60ml sữa rồi mẹ nhé! Mẹ nên nhớ trong tháng đầu tiên, hãy cho bé bú 8 – 12 lần mỗi ngày, mỗi cữ cách nhau 2 – 3 giờ.
Đến khi bé được 2 tháng tuổi, dạ dày của con có thể tiêu thụ được 118 cho tới 148ml sữa mỗi lần bú, các cữ cách nhau 3 – 4 giờ. Với trẻ 4 tháng tuổi, lượng sữa con cần đã lên tới 177ml/cữ bú. Trẻ 6 tháng tuổi có khả năng tiêu thụ lên tới 236ml sữa mỗi lần, tất nhiên là các cữ bú sẽ giãn cách xa hơn.
Theo các chuyên gia, một em bé nếu được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn thì cần bú khoảng 600 đến 900ml sữa mỗi ngày, lượng sữa trung bình là 750ml/ngày.
Dấu hiệu nhận biết bé đang cần được ăn và bé đã bú đủ
Không phải mẹ nào cũng biết khi nào bé cần ăn, khi nào bé đã no
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh sẽ bú theo nhu cầu của mình, khi nào bé đói thì bé sẽ khóc đòi ăn. Bởi vậy, có không ít mẹ khi thấy bé khóc mới cho bú. Tuy vậy, không nên đợi đến lúc bé khóc mới cho bú vì lúc đó bé đã đói quá rồi, có thể trở nên bực bội và khó dỗ dành. Ngoài ra, có không ít bé không phải khóc vì đói, có thể là bé đang cần được thay bỉm hoặc ôm ấp, hoặc quá nóng, quá lạnh…
Các mẹ hãy để ý một số dấu hiệu cho thấy bé đã muốn bú như bé ngọ nguậy đầu nhiều, há miệng, thè lưỡi, chụm môi vào như đang bú, hay rúc vào ti mẹ, thể hiện phản xạ tìm kiếm, hoặc cho cả nắm tay vào miệng…
Mỗi lần, mẹ hãy để cho bé bú kéo dài đến khi nào con muốn và tự nhả vú ra. Nếu mỗi lần bé bú kéo dài hơn 30 phút hoặc các cữ bú quá gần nhau thì mẹ cần kiểm tra lại xem có phải trẻ không ngậm bắt đúng vú và bú không hiệu quả.
Để đánh giá bé đã bú đủ no hay chưa, mẹ có thể dựa vào các biểu hiện: bé tỉnh táo, nhanh nhẹn, thỏa mãn, vui vẻ, thư giãn sau cữ bú, môi hồng hào, ẩm ướt. Ngoài ra, bé đi tiểu có nước tiểu trong hoặc vàng nhạt, không bị vàng đậm, không có mùi khó chịu, bé đại tiện đủ…
Một số lưu ý khi mẹ cho trẻ sơ sinh bú
Mẹ hãy tận dụng nguồn sữa mẹ quý giá để dành cho con
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Mẹ cần học cách cho trẻ bú sữa đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe. Mẹ hãy bắt đầu cho bé bú ngay trong 1 giờ đầu sau khi sinh. Những giọt sữa non sau khi mẹ sinh bé vô cùng quý giá, giúp cho bé có khả năng miễn dịch trong 6 tháng đầu nên mẹ hãy nhớ cố gắng tận dụng được nguồn sữa này thật tốt. 2 tuần đầu bú mẹ, có thể bé sẽ gặp tình trạng sút cân sinh lý nhưng sau đó bé sẽ trở lại bình thường ngay, mẹ đừng quá lo lắng.
Trong 6 tháng đầu, bé chỉ cần bú mẹ là đủ mà không cần ăn bất kỳ đồ ăn, thức uống nào khác. Nếu con ăn các thức ăn, đồ uống khác thay thế sữa mẹ sẽ làm cho mẹ giảm tiết sữa, không đủ sữa cho con.
Trong quá trình nuôi nấng và chăm sóc con, nếu bé không tuân thủ theo những cữ bú tiêu chuẩn thì mẹ cũng đừng quá khắt khe với bé, hãy linh động cho phép con được bú theo nhu cầu. Mẹ không nên quá stress mà ép bé phải bú đúng giờ, bú liên tục, rất dễ khiến bé sợ hãi và không bú nữa.
Smee hy vọng những thông tin chi tiết trên đây đã giúp các mẹ biết lượng ăn của con thế nào là đủ và những dấu hiệu bé đói, bé no đơn giản nhất!
Mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin các kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh cho người lần đầu làm mẹ tại đây.