Ngay mới sinh ra, bé đã bắt đầu khám phá thế giới qua đôi mắt, tuy nhiên lúc này bé vẫn chưa nhìn rõ mọi vật do các dây thần kinh thị giác chưa phát triển đầy đủ. Nhưng thị lực của trẻ sẽ phát triển rất nhanh. Ba mẹ hãy cùng Smee tìm hiểu từng giai đoạn nhé.
1 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ vẫn chưa thể nhìn xa và bé cũng chỉ quan tâm đến khuôn mặt của những người thân thuộc như ba mẹ mà thôi. Do đó trong vài tuần đầu tiên, khi ôm ấp con, bạn hãy giao tiếp với con bằng mắt và cho con thời gian được nhìn ngắm khuôn mặt của những người thân.
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm cho con các loại đồ chơi hoặc thú bông có màu đen, trắng hoặc có màu tương phản cao để thu hút sự chú ý của trẻ.
2 tháng tuổi
Lúc này, bé bắt đầu phân biệt được rõ ràng các màu sắc qua đôi mắt như: đỏ và cam, xanh dương và xanh lá… Tại thời điểm này, ba mẹ nên trò chuyện với bé trong khoảng cách từ 20 - 30cm để bé ghi nhớ gương mặt của người thân. Đồng thời hãy chọn cho con chơi các món đồ có màu cơ bản tươi sáng có hình dạng khác nhau.
Trong giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi, bé sẽ học cách tập trung nhìn đồ vật bằng mắt. Điều này có nghĩa là con có thể đảo mắt nhìn theo một món đồ di chuyển trước mặt. Vì thế, bố mẹ có thể chơi với con bằng cách di chuyển khuôn mặt của mình lúc gần lúc xa, lúc bên trái lúc bên phải để trẻ phát triển được kỹ năng nhìn tập trung.
Từ 3 - 4 tháng tuổi
Khi được 3 đến 4 tháng tuổi, thị giác của bé đã tốt hơn, có thể nhìn rõ hơn một chút những đồ vật ở cách xa hoặc nhận biết nhiều chi tiết hơn. Lúc này, bé có thể với tay để túm tóc, dây chuyền, hay đồ chơi trong tầm với. Nếu bé bú bình, bé sẽ nhận ra bình sữa và có những cử chỉ vui mừng khi bạn đưa bình sữa tới gần mặt bé.
Từ 5 - 6 tháng tuổi
Bé rất thích thú mỗi khi quan sát, bé cử động đầu và mắt khi nhận thức được hoạt động. Bé có thể phân biệt những cảm xúc khác nhau như vui sướng, sợ hãi, buồn rầu và đáp ứng thích hợp với những cảm xúc đó. Bé sẽ với tới đồ chơi, nắm chặt và quan sát kỹ hơn. Lúc này, cả hai mắt của bé đều cùng hoạt động. Khả năng nhận biết về màu sắc cũng tăng lên đáng kể, bé đã có thể nhận biết được tất cả các màu của cầu vồng.
Từ 7 - 12 tháng tuổi
Lúc này, khả năng thị giác của bé gần như đã hoàn thiện về độ rõ ràng và nhận thức theo chiều sâu. Mặc dù trẻ vẫn tập trung sự chú ý nhiều hơn vào các vật thể ở gần, nhưng tầm nhìn của bé đã đủ mạnh để nhận ra mọi người và các đồ vật xung quanh phòng. Không chỉ vậy, bé đã có thể nhận ra được một món đồ chơi quen thuộc dù chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của đồ vật đó. Ngoài ra, trẻ còn xác định được khoảng cách khá tốt và ném đồ vật một cách chính xác. Bé cũng đã nhận biết được ai đang tiến gần lại phía mình.
Những việc ba mẹ nên làm để giúp con phát triển thị giác
Phát triển thị giác không chỉ là phát triển khả năng nhìn mà còn thúc đẩy khả năng nhận biết của não bộ, khả năng phối hợp giữa các bộ phận mắt, tay chân với nhau. Thế nên, ba mẹ cần biết lựa chọn những hoạt động phù hợp với lứa tuổi để hỗ trợ con phát triển thị lực:
- Từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi: Hãy thường xuyên thay đổi vị trĩ cũi để bé có thể nhìn thấy nhiều đồ vật khác nhau, nhiều khung cảnh khác nhau. Hãy treo đồ chơi có hai màu đen trắng cách mắt của trẻ khoảng 20 – 30cm. Ngoài ra, ba mẹ hãy nói chuyện thật nhiều cùng con khi bế bé đi xung quanh phòng.
- Từ 5 đến 6 tháng tuổi: Ba mẹ hãy treo một vài món đồ chơi ở nôi/cũi để bé có thể nhìn theo vật di chuyển, học cách cầm, nắm, kéo và đẩy. Bên cạnh đó, hãy cho con được chơi trên sàn nhà với các khối đồ chơi bằng vải, nhựa, gỗ. Ngoài ra, ba mẹ có thể dạy trẻ nhận biết thêm về màu sắc và hình dạng bằng cách chỉ vào từng đồ vật có trong sách, truyện in màu.
- Từ 7 đến 12 tháng tuổi: Các trò chơi trốn tìm đồ vật hoặc ú òa sẽ giúp trẻ vừa luyện mắt tinh anh vừa rèn trí nhờ. Trong khi chơi, bố mẹ nhớ đọc tên các đồ vật thật to để kích thích sự liên tưởng và phát triển vốn từ vựng cho con. Ba mẹ có thể cùng bé chơi lăn hoặc đá bóng qua lại, hoặc thi xếp được các khối xây dựng cao nhất.
Ba mẹ cần nhớ rằng mỗi em bé đều có một tốc độ phát triển khác nhau, nhưng cuối cùng bé cũng sẽ đạt được các cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, nếu thấy con có những dấu hiệu bất thường về mắt và thị lực như: chảy nước mắt nhiều, mí mắt đỏ, đảo mắt liên tục, quá nhạy cảm với ánh sáng…, ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra và tư vấn sớm.
Nguồn: AOA, Babycenter