Quá trình mang thai luôn mang đến cho các bà mẹ những niềm vui và cả những giọt nước mắt. Từng động thái dù là nhỏ nhất của thai nhi trong bụng mẹ mỗi ngày đều là mối quan tâm thường trực của các mẹ bầu. Với các trường hợp thai nhi chậm phát triển, chắc chắn các mẹ sẽ không khỏi lo lắng, hoang mang. Nguyên nhân của vấn đề này là gì, cách xử trí ra sao…, Bỉm mỏng cho bé Smee sẽ chia sẻ chi tiết với các mẹ trong bài viết dưới đây.
Thế nào là thai nhi chậm phát triển?
Thai nhi chậm phát triển là cách nói ngắn gọn của hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung. Một số tên gọi khác của hội chứng này như thai nhỏ hơn so với tuổi thai, thai nhi suy dinh dưỡng hay suy nhau thai.
Với hội chứng này, thai nhi sẽ kém tăng trưởng và có kích thước nhỏ hơn so với tuổi thai thực. Theo sự phân chia của các chuyên gia, có hai trường hợp thai nhi chậm phát triển phổ biến. Thứ nhất là trường hợp thai nhi chậm tăng trưởng đối xứng, tức là thai nhi phát triển chậm một cách toàn diện. Thứ hai là trường hợp thai nhi chậm tăng trưởng không đối xứng, tức là đầu và não của thai nhi thì phát triển bình thường nhưng cơ thể thì nhỏ hơn so với tuổi thai.
Chẩn đoán tình trạng thai nhi chậm phát triển dựa trên kích thước, trọng lượng thai
Thông thường, các bác sĩ sẽ xác định tình trạng chậm phát triển của thai nhi dựa trên kích thước và trọng lượng thai. Để xác định thai nhi có thực sự chậm phát triển hay ngừng phát triển, các bác sĩ sẽ tiến hành đo kích thước và trọng lượng của thai nhi trong ít nhất là 2 lần thăm khám liên tiếp, khoảng cách giữa 2 lần thăm khám này là 1 tuần.
Tình trạng thai nhi chậm phát triển trong tử cung thường có nguy cơ xảy ra với các bà mẹ mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh phổi, bệnh thận, tiểu đường, hay các mẹ bầu có sử dụng thuốc lá, nghiện rượu. Cũng có một số trường hợp mẹ bầu bị suy dinh dưỡng trầm trọng hoặc gặp các bệnh lý của nhau thai, đa thai, có rối loạn về di truyền… khiến cho thai nhi bị chậm phát triển.
Những mối nguy khi thai nhi chậm phát triển
Trong trường hợp thai nhi chậm phát triển, tỷ lệ trẻ bị bệnh và tử vong sau khi sinh sẽ thường gia tăng. Ngoài ra, khó có thể loại trừ các biến chứng gia tăng trong khi sinh và sau khi sinh. Bên cạnh đó, song song với trường hợp thai nhi chậm phát triển là tình trạng thiếu ối. Khi đó, nước ối ít sẽ gây ra sự chèn ép vào dây rốn, gây tử vong cho em bé.
Nhiều mối nguy khi thai nhi chậm phát triển trong tử cung
Ngoài ra, khi lớn lên, các em bé từng là thai nhi chậm phát triển trong tử cung sẽ có đối diện với nguy cơ tử vong và có nguy cơ mắc các bệnh lý nhiều hơn so với các trẻ bình thường khác như chậm phát triển về chiều cao, tổn thương thận hay nội mạc mạch máu, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường… Bên cạnh đó, các bé cũng có thể gặp phải các di chứng khác về thần kinh, kém phát triển về trí tuệ, các biến chứng về tim mạch, huyết áp…
Xem thêm: Một số biến chứng thai kỳ mẹ cần thận trọng
Phát hiện thai nhi chậm phát triển như thế nào?
Phát hiện sớm thai nhi chậm phát triển trong tử cung có ý nghĩa rất lớn với các mẹ bầu. Các chuyên gia khuyên mẹ trước khi chuẩn bị có thai, hãy thực hiện thăm khám toàn diện, kể cả trường hợp mẹ cảm thấy cơ thể mình vẫn khỏe mạnh. Tất cả các giấy tờ ghi nhận các bệnh tật của bản thân hãy lưu giữ lại để các bác sĩ có căn cứ theo dõi sau này.
Bên cạnh đó, ngay khi bị trễ kinh, mẹ hãy đi khám thai ngay để các bác sĩ có thể chẩn đoán một cách chính xác tuổi thai. Trong quá trình mang thai, mẹ cần thăm khám thai định kỳ, theo lịch của bác sĩ và lưu ý phải đo bề cao của tử cung. Bề cao này sẽ tăng dần theo tuổi thai, trung bình bề cao của tử cung sẽ tăng 4cm mỗi tháng cho đến tháng thứ 8.
Mẹ bầu hãy theo dõi kỹ bề cao của tử cung trong suốt thai kỳ
Bề cao của tử cung bằng số tuần tuổi thai nhi chứng tỏ thai nhi đang phát triển bình thường. Chẳng hạn, thai nhi 16 tuần thì bề cao tử cung bình thường là 16cm. Nếu bề cao tử cung không tăng hay tăng nhỏ hơn tuổi thai, rất có thể thai nhi đang chậm phát triển trong tử cung. Còn nếu bề cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai khoảng 5cm, đó là dấu hiệu chứng tỏ thai nhi bất thường.
Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu thiếu ối và cách khắc phục.
Mẹ bầu phải làm gì khi thai nhi chậm phát triển trong tử cung?
Khi thai nhi chậm phát triển trong tử cung, Smee khuyên mẹ hãy bình tĩnh, không nên quá lo lắng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thay vào đó, mẹ hãy thăm khám kỹ càng với các bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân khiến thai nhi chậm phát triển.
Đặc biệt, mẹ cần đếm số lần thai máy và theo dõi các cử động thai bằng máy monitoring. Việc khám thai đều đặn sẽ giúp đo lường lượng nước ối, nhìn thai nhi cử động, đo vòng đầu, vòng bụng, đo đường kính lưỡng đỉnh và chiều dài xương đùi.
Đều đặn thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị, xử trí kịp thời
Trong trường hợp vòng bụng và cân nặng thai nhi có vấn đề, bác sĩ sẽ cho mẹ tiếp tục thực hiện nhiều siêu âm khác để chẩn đoán, đánh giá sự tiến triển hoặc độ trầm trọng của thai nhi chậm phát triển. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy thai ra khỏi môi trường bất lợi cho sự phát triển đúng thời điểm.
Ngoài việc làm theo lời bác sĩ, mẹ bầu hãy tăng cường nằm nghỉ nghiêng bên trái để tăng lượng máu đến tử cung. Việc nằm nghiêng về bên trái còn giúp tăng lượng oxy và các chất dinh dưỡng cho thai. Song song với đó, mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn của mình sao cho đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Hãy uống nhiều nước, không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
Thai nhi chậm phát triển là tình huống không mẹ bầu nào muốn xảy ra với mình nhưng vẫn có cách điều trị. Bỉm mỏng Smee khuyên mẹ hãy khám thai đều đặn, theo dõi, điều trị theo chỉ định của bác sĩ và đưa ra những quyết định đúng lúc để bé yêu chào đời an toàn và hạn chế những tổn thương sau này.