Câu chuyện ép trẻ ăn bằng mọi giá không còn xa lạ với nhiều gia đình có con nhỏ. Với mong muốn trẻ được no bụng, được tăng cân đều đặn, nhiều ba mẹ đã quyết tâm ép con ăn bằng được. Tác hại của việc này vô cùng nghiêm trọng. Trẻ có thể dẫn đến sợ hãi thậm chí ám ảnh khi nhìn thấy thức ăn. Ép con ăn - thương con hay hại con? Làm sao để trẻ ăn ngon tự nguyện? Ba mẹ hãy cùng Smee khám phá các bí quyết sau.
Ảnh hưởng tiêu cực của việc ép trẻ ăn
Tất cả những điều cha mẹ làm đều xuất phát từ việc mong muốn con mình khỏe mạnh. Tuy nhiên có rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra được rằng việc ép con ăn là rất có hại. Sẽ có 2 trường hợp thường xuyên xảy ra khi ép con ăn: Thứ nhất bé sẽ gặp phải tình trạng biếng ăn, sợ ăn hơn. Thứ hai bé sẽ ăn nhiều hơn so với dinh dưỡng cần thiết dẫn đến béo phì ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của con trẻ.
Một vài ảnh hưởng tiêu cực khác xảy ra nếu ba mẹ ép bé ăn trong thời gian dài:
- Ép con ăn dễ dẫn đến nôn mửa.
- Mất kiểm soát thói quen ăn uống, mất đi sự thèm ăn của trẻ.
- Rối loạn thói quen ăn uống, yêu thích kẹo và đồ ăn nhanh.
- Nếu trẻ bị kiểm soát ép ăn thường xuyên sẽ gây vấn đề không biết giới hạn nên ăn bao nhiêu.
- Gây áp lực ăn uống khiến con ăn không ngon, ăn ít hơn.
- Trẻ chán ghét ăn uống.
Ép con ăn bằng mọi giá: Nên hay không?
Ba mẹ đừng quá lo lắng về cân nặng của trẻ mà ép con ăn bằng mọi giá. Bạn nên hiểu rằng việc con được vui vẻ và khỏe mạnh không đồng nghĩa với việc con phải ăn thật nhiều. Hãy thử đặt mình vào vị trí của con, mọi thứ sẽ thế nào nếu bạn không đói nhưng vẫn bị ép ăn những thứ mình không thích. Ăn uống là niềm vui, là sự trải nghiệm thú vị để con đáp ứng nhu cầu sinh học của riêng chúng, chứ không phải là đáp ứng nhu cầu của người lớn.
Thay đổi cách nuôi con: mẹ nhàn - con khoẻ
Một vài bí quyết dưới đây sẽ giúp ba mẹ cảm thấy thoải mái hơn đối với vấn đề ăn uống ở trẻ.
Để bé được nghịch ngợm
Thời điểm trên 1 tuổi, sẽ bé tập đi và muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Điều ba mẹ nên làm là hãy để cho bé làm những gì mình thích. Việc vận động và vui chơi nhẹ nhàng sẽ khiến bé cảm phấn khích, gần gũi cha mẹ. Và tất nhiên, điều quan trọng nhất là trẻ sẽ thấy đói và tự nguyện ăn ngon.
Đặt nguyên tắc khi ngồi ăn
Cha mẹ hãy tập cho bé thói quen tốt không được vừa chơi vừa ăn. Bạn hãy thể hiện cho con biết rằng: nếu con dừng ăn và rời khỏi ghế giữa giờ có nghĩa là con đã ăn xong và không được ăn thêm nữa. Ngay cả sau đó trẻ đói và đòi ăn thêm, ba mẹ cũng nên dứt khoát từ chối.
Bình tĩnh với con
Đừng quá căng thẳng khi bé nhiều lần từ chối việc ăn uống. Điều ba mẹ cần làm là giữ bình tĩnh. Khi bé đói, bé sẽ tự ăn. Việc la mắng, gây áp lực với con chỉ làm bé tổn thương. Ngoài ra, ba mẹ cũng đừng vì muốn con ăn bằng mọi giá mà biến mình thành trò tiêu khiển, làm hư bé.
Ngừng cho con ăn đồ ăn vặt
Ăn vặt suốt ngày, liên tục trong vô thức là một thói quen vô cùng xấu. Bạn hãy cho trẻ những thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khoẻ như: trái cây, phô mai, bánh cho trẻ,… theo lượng phù hợp. Giảm thiểu các bữa ăn vặt, bé sẽ biết đói và tập trung ăn những bữa chính.
Đảm bảo con không bị ăn quá nhiều
Theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng, cách đơn giản nhất để đo lường lượng thực phẩm đó là một phần tương đương và nằm gọn trong lòng bàn tay trẻ. Ví dụ, chúng ta có thể cho con ăn một lượng cơm bằng lòng bàn tay và 2-3 phần rau cũng có kích thước tương tự.
Hãy tin con
Ngoài một số trường hợp đặc biệt, đa phần bé sẽ biết khi nào mình đói và no. Đây là bản năng của trẻ. Vì vậy, chúng ta đừng dùng suy nghĩ của người lớn để gây áp lực lên chính mình.
Yêu thương con không đồng nghĩa với việc ép con ăn bằng mọi giá, ba mẹ nhé!